Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Nắg chiều - Lê Trọng Nguyễn

Thư giãn chút nào. Chẳng hỉu seo mừ sáng nay thức dậy bài hát này cứ vòng vòng trong đầu hoài. ^^. Nghe thích ghê. Post lên chơi.


Nắng chiều

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em mầu ngà tóc thề nhẹ hương
Nay anh về qua sân nắng
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ
Người em gái duyên ghé về đâu
Nay anh về nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa
Hình bóng yêu kiều
Kề hoa tím biết đâu mà tìm

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói mến anh....
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi ...

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Các công cụ phái sinh

Lang thang kiếm được đăng lên đây để dành chừng nào rãnh nghiên cứu tiếp ^^.
I. Khái niệm:

Công cụ phái sinh là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ đã có như cổ phiếu, trái phiếu nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận.



II. Các loại công cụ phái sinh:

1. Quyền lựa chọn (Option)

a. Khái niệm: Quyền lựa chọn là một công cụ cho phép người nắm giữ nó được mua (nếu là quyền chọn mua) hoặc bán (nếu là quyền chọn bán) một khối lượng nhất định hàng hoá với một mức giá xác định, và trong một thời gian nhất định.
Các hàng hoá cơ sở này có thể là cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số trái phiếu, thương phẩm, đồng tiền hay hợp đồng tương lai.
b. Những yếu tố cấu thành một quyền lựa chọn
- Tên của hàng hoá cơ sở và khối lượng được mua theo quyền.
- Loại quyền (chọn mua hay chọn bán).
- Thời hạn của quyền.
- Mức giá thực hiện theo quyền.
c. Những mức giá liên quan tới một quyền lựa chọn là:
- Giá thị trường hiện hành của loại hàng hoá cơ sở.
- Giá hàng hoá cơ sở thực hiện theo quyền.
- Giá quyền lựa chọn.
Đối với quyền chọn mua, nếu giá thực hiện thấp hơn giá hiện hành của chứng khoán cơ sở, thì quyền đó được gọi là đang được tiền (in the money), tức là người có quyền có thể có lợi từ việc thực hiện quyền. Nếu giá thực hiện bằng với giá thị trường, quyền đang ở trạng thái hoà vốn ( at the money), và nếu cao hơn, gọi là đang mất tiền (out of money). Đối với quyền chọn bán thì ngược lại, người thực hiện quyền sẽ có lợi nếu giá bán thực hiện quyền cao hơn giá thị trường của hàng hoá cơ sở và sẽ bị mất tiền nếu giá thực hiện quyền thấp hơn giá thị trường của hàng hoá cơ sở.
Giá trị mà người nắm giữ quyền lựa chọn sẽ nhận được bằng cách thực hiện quyền được gọi là giá trị nội tại (intrinsic value). Nếu quyền ở trạng thái bị mất tiền, giá trị nội tại bằng 0. Giá thị trường của một quyền thường ít nhất là bằng giá trị nội tại. Giá bán quyền được gọi là phần phụ trội, chênh lệch giữa giá bán quyền với giá trị nội tại (trong trường hợp quyền đang được tiền) được gọi là phần phụ trội giá trị theo thời gian. Nói cách khác, khi đó:
Giá trị theo thời gian của quyền chọn mua = Giá quyền - (giá thị trường - giá thực hiện).
Ví dụ 1: Giá của một quyền chọn mua XYZ là 400.000 đồng, giá thị trường của XYZ là 42.000 đồng. Người giữ quyền có thể chiếm lấy 200.000 đ ngay tức thì bằng cách thực hiện quyền, tức là mua 100 cổ phần ( mức giá được quyền ấn định) với tổng chi phí 4.000.000 đồng, cũng theo mức giá thực hiện theo quyền là 40.000 đ một cổ phần; sau đó bán ngay với giá thị trường, thu về 4.200.000 đ. Giá trị nội tại của quyền là 200.000 đ.
Mức phụ trội giá trị theo thời gian = giá quyền – giá trị nội tại = 400.000 đ - 200.000 đ = 200.000 đ
Người mua vẫn sẵn sàng trả phần phụ trội cho các quyền lựa chọn vì họ nhận được nhiều lợi ích từ một quyền lựa chọn.
d. ứng dụng của quyền lựa chọn:
Quyền lựa chọn cho phép nhà đầu tư thu được tỷ lệ % lợi tức trên vốn đầu tư cao nhất.
Ví dụ 2: Giả sử thị trường hiện nay của cổ phiếu XYZ là 42.000 VND/cổ phần, và bạn dự đoán sau nửa năm nữa, giá cổ phiếu XYZ sẽ tăng mạnh, lên tới 50.000 VND. Giả sử các quyền lựa chọn có liên quan đến giao dịch cổ phiếu XYZ được niêm yết, bạn có thể mua một quyền chọn mua cổ phiếu XYZ với giá 40.000 VND/cổ phần.
Trong vòng 6 tháng giá cổ phiếu XYZ tăng lên 50.000 VND/cổ phần. Bạn có thể buộc người bán giao 100 cổ phần XYZ cho bạn với giá 40.000 VND/cổ phần, sau đó bán chúng ra thị trường với giá 50.000 đồng.
Nhu vậy bạn đã tạo ra một lợi nhuận đáng kể. Trên thực tế bạn đã thu được lợi nhuận 60.000 đồng trên khoản đầu tư 40.000 đồng, vậy lợi suất là 150%, trong khoảng thời gian là 6 tháng.
Quyền lựa chọn được sử dụng để bảo vệ lợi nhuận
Ví dụ 3: Với XYZ đang có giá thị trường là 44.000 đồng, người sở hữu 100 cổ phần XYZ bán một quyền chọn mua XYZ 44.000 với giá quyền là 400.000 đồng.
Nếu giá thị trường của XYZ giảm xuống 40.000 đồng, người bán sẽ được bảo vệ trước khoản thua lỗ nhờ có 40.000 đồng nhận được từ việc bán quyền chọn. Nếu XYZ tiếp tục giảm giá thì đương nhiên người bán sẽ mất tiền. Như vậy khoản thu 40.000 đồng từ việc bán quyền lựa chọn tạo ra một sự bảo vệ cụ bộ đối với tình trạng sụt giá.
Nếu trong 6 tháng tới giá XYZ vẫn giữ nguyên, quyền sẽ không được thực hiện. Khoản thu phụ trội 40.000 đồng là một thu nhập bổ sung trên tổng đầu tư.

2. Quyền mua trước (right)

Quyền mua trước là một quyền lựa chọn mua có thời hạn rất ngắn, có khi chỉ vài tuần. Quyền này được phát hành khi các công ty tăng vốn bằng cách phát hành thêm các cổ phiếu thường. Quyền cho phép một cổ đông mua cổ phiếu mới phát hành với mức giá đã ấn định trong một khoảng thời gian xác định.
Loại quyền này thường được phát hành theo từng đợt, mỗi cổ phiếu đang lưu hành được kèm theo một quyền. Số quyền cần để mua một cổ phiếu mới được quy định tuỳ theo từng đợt phát hành mới.
Giá cổ phiếu ghi trên quyền thường là thấp hơn giá hiện hành của cổ phiếu. Giá của quyền tính bằng chênh lệch giữa giá thị trường hiện hành của cổ phần đang lưu hành và giá mua cổ phần mới theo quyền, chia cho số lượng quyền cần có để mua một cổ phần mới.
Ví dụ: cổ phiếu bán theo quyền (giá thực hiện) là 800.000 đồng/cổ phần, nhưng có giá thị trường là 1.000.000 đồng, nếu cứ 10 quyền được mua một cổ phần mới thì giá của quyền được xác định theo công thức
Vr = P0 - Pn/r
Trong đó: Vr là giá trị của một quyền, P0 là giá thị trường của cổ phiếu đang lưu hành, Pn là giá thực hiện cổ phiếu mới và r là số quyền cần có để mua một cổ phiếu mới.
Vậy, giá quyền ở đây là Vr = (1.000.000 – 800.000)/10 = 20.000 đồng.
Nếu không muốn thực hiện quyền, cổ đông thường có thể bán quyền trên thị trường trong thời gian quyền chưa hết hạn. Giá quyền có thể lên xuống trong khoảng thời gian chào bán, tuỳ thuộc biến động giá thị trường của cổ phiếu.

3. Chứng quyền (warrants)

Chứng quyền là quyền cho phép mua một số cổ phần xác định của một cổ phiếu, với một giá xác định, trong một thời hạn nhất định. Quyền này được phát hành khi tiến hành tổ chức lại các công ty, hoặc khi công ty muốn khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng mua những trái phiếu hay cổ phiếu ưu đãi nhưng có những điều kiện kém thuận lợi. Để chấp nhận những điều kiện đó, nhà đầu tư có được một lựa chọn đối với sự lên giá có thể xảy ra của cổ phiếu thường.
Đặc điểm:
Khác với quyền mua trước, chứng quyền có thời hạn dài hơn, do công ty đã phát hành công cụ cơ sở phát hành đồng thời với công cụ cơ sở. Khác với quyền lựa chọn (option), khi chứng quyền được thực hiện, nó tạo thành dòng tiền vào cho công ty và tăng thêm lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường.
Chứng quyền có thể được giao dịch tách rời với trái phiếu hay cổ phiếu mà nó đi kèm.
Các điều kiện của chứng quyền được ghi rõ trên tờ chứng chỉ: số cổ phiếu được mua theo mỗi chứng quyền (thườnglà 1:1); giá thực hiện cho mỗi cổ phiếu; tại thời điểm chứng quyền được phát hành, giá này bao giờ cũng cao hơn giá thị trường của cổ phiếu cơ sở, và giá đó có thể cố định, có thể được tăng lên định kỳ; và thời hạn của quyền, đa số trường hợp là 5 đến 10 năm.

4.Hợp đồng kỳ hạn

Hợp dồng kỳ hạn là một thoả thuận trong đó một người mua và một người bán chấp thuận thực hiện một giao dịch hàng hoá với khối lượng xác định, tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá được ấn định vào ngày hôm nay.
Hàng hoá ở đây có thể là bất kỳ thứ hàng hoá nào; từ nông sản, các đồng tiền, cho tới các chứng khoán.
Theo hợp đồng này thì chỉ có hai bên tham gia vào việc ký kết, giá cả do hai bên tự thoả thuận với nhau, dựa theo những ước tính mang tính các nhân. Giá hàng hoá đó trên thị trường giao ngay vào thời điểm giao nhận hàng hoá có thể thay đôỉ, tăng lên hoặc giảm xuống so với mức giá đã ký kết trong hợp đồng. Khi đó, một trong hai bên mua và bán sẽ bị thiệt hại do đã cam kết một mức giá thấp hơn (bên bán) hoặc cao hơn (bên mua) theo giá thị trường.
Như vậy bằng việc tham gia vào một hợp đồng kỳ hạn, cả hai bên đều giới hạn được rủi ro tiềm năng cũng như hạn chế lợi nhuận tiềm năng của mình. Vì chỉ có hai bên tham gia vào hợp đồng, cho nên mỗi bên đều phụ thuộc duy nhất vào bên kia trong việc thực hiện hợp đồng. Khi có thay đổi giá cả trên thị trường giao ngay, rủi ro thanh toán sẽ tăng lên khi một trong hai bên không thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, vì mức giá đặt ra mang tính cá nhân và chủ quan nên rất có thể không chính xác.

5. Hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai, nhờ đặc tính linh hoạt của nó, đã khắc phục được những nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn, và thường được xem là một cách thức tốt hơn để rào chắn rủi ro trong kinh doanh.
Những điểm khác biệt căn bản của hợp đồng tương lai so với hợp đồng kỳ hạn là:
1. Niêm yết trên sở giao dịch. Một giao dịch hợp đồng tương lai nói chung được xử lý trên một Sở giao dịch. Điểm này cho phép giá cả được hình thành hợp lý hơn, do các bên mua bán được cung cấp thông tin đầy đủ và công khai.
2. Xoá bỏ rủi ro tín dụng. Trong các giao dịch hợp đồng tương lai được niêm yết trên sở giao dịch, cả hai bên bán và mua đều không bao giờ biết về đối tác giao dịch của mình. Công ty thanh toán bù trừ sẽ phục vụ như một trung gian trong tất cả các giao dịch. Người bán bán cho công ty thanh toán bù trừ, và người mua cũng mua qua công ty thanh toán bù trừ. Nếu một trong hai bên không thực hiện được hợp đồng thì vẫn không ảnh hưởng gì đến bên kia.
3.Tiêu chuẩn hoá. Các hợp đồng kỳ hạn có thể được thảo ra với một hàng hoá bất kỳ, khối lượng, chất lượng, thời gian giao hàng bất kỳ, theo thoả thuận chung giữa hai bên bán, mua. Tuy nhiên, các hợp đồng tương lai niêm yết trên sở giao dịch đòi hỏi việc giao nhận một khối lượng cụ thể của một hàng hoá cụ thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu, theo một thời hạn được ấn định trước.
4. Điều chỉnh việc đánh giá theo mức giá thị trường (Marking to market). Trong các hợp đồng kỳ hạn, các khoản lỗ, lãi chỉ được trả khi hợp đồng đến hạn. Với một hợp đồng tương lai, bất kỳ món lợi nào cũng được giao nhận hàng ngày. Cụ thể là nếu giá của hàng hoá cơ sở biến động khác với giá đã thoả thuận (giá thực hiện hợp đồng) thì bên bị thiệt hại do sự thay đổi giá này phải trả tiền cho bên được lợi từ sự thay đổi giá đó. Trên thực tế, vì không bên nào biết về đối tác của mình trong giao dịch, nên những người thua đều trả tiền cho công ty thanh toán bù trừ, và công ty này sẽ trả tiền cho những người thắng.

Công cụ phái sinh : cơ hội và rủi ro

Dạo này đang ôn thi, mệt ghê á, mong sao cho kì này thi đc kết quả khả quan chút ---> phải chăm chỉ thui, hhuhu. Đi lang thang tìm tài liệu, thấy được bài viết này, cũng hay lắm nên post lên chơi :).

Thống kê của ngân hàng thanh toán quốc tế cho thấy, đến hết 2006, số dư hợp đồng giao dịch phái sinh trên thị trường tài chính quốc tế tương đương 417 tỷ USD. Thế nhưng, con số này ở Việt Nam rất ít được nhắc tới vì quá khiêm tốn, mặc dù đây là công cụ bảo hiểm rủi ro tài chính phổ biến trên thế giới.

Trong khuôn khổ một hội thảo do Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) phối hợp tổ chức mới đây, các chuyên gia ngành ngân hàng, tài chính đã cùng nhau chia sẻ thực trạng và tìm giải pháp phát triển thị trường phái sinh.

Vậy, công cụ phái sinh là gì? Công cụ này sẽ đem lại lợi ích gì cho ngân hàng cũng như doanh nghiệp?

Nói nôm na, công cụ phái sinh chính là một loại hình bảo hiểm rủi ro tài chính khi thực hiện các hợp đồng kinh tế mà bản chất là phân tán rủi ro tiềm ẩn và đương nhiên, lợi nhuận của các giao dịch cùng được chia sẻ cho các bên. Công cụ phái sinh gồm các công cụ giao dịch kỳ hạn (Forward), hoán đổi (Swaps), quyền chọn (Options) và tương lai (Futures).

Chia sẻ những lợi ích mà ngân hàng thương mại thu được khi thực hiện công cụ phái sinh, Ths. Nguyễn Quang Minh (Vietcombank) cho biết: Thực ra, mục đích của ngân hàng thương mại khi tham gia công cụ phái sinh là để bảo hiểm rủi ro giao dịch tài chính cho cả ngân hàng và khách hàng. Trong quá trình hoạt động, nếu có sinh lời thì bản chất vẫn là phòng ngừa rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận chứ không hẳn là kiếm lời!

Vậy, doanh nghiệp sẽ được lợi gì? Ông Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển ngân hàng cho biết: xét tổng thể qua hàng năm, chỉ riêng doanh nghiệp nước ngoài khi đưa vốn ngoại tệ vào Việt Nam đầu tư, sau khi thu lợi nhuận và chuyển tiền về nước, nếu sử dụng công cụ phái sinh, họ sẽ tránh được thiệt hại khi có rủi ro về tỷ giá.

Tiếp đó là các dự án đầu tư với số vốn lớn. Các dự án này đều vay hay mua chịu một lượng lớn hàng hóa nước ngoài bằng USD, nếu sử dụng hoán đổi lãi suất (Swaps) thì có thể tránh được thiệt hại không nhỏ với những biến động khó lường của thị trường tiền tệ. Thế nhưng, chủ các dự án này gần như chưa bao giờ sử dụng công cụ phái sinh.

Ngay cả như quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, tương đương với lượng ngoại tệ của vài chục tuần nhập khẩu cũng đang tồn tại như một thứ “quỹ chết trong ao tù”, mặc dù lượng dự trữ tăng lên và đồng USD đang yếu đi từng ngày. Giá như có một cơ chế rõ ràng, cho phép sử dụng quỹ này thích ứng với các công cụ phái sinh thì đồng vốn sẽ được sinh lời thay vì nằm im trong két sắt.

Mặc dù hữu ích là vậy nhưng công cụ phái sinh hiện phát triển khá khiêm tốn ở chi nhánh ngân hàng Citibank, Standard Chartered, BIDV, Vietcombank, HSBC với doanh số chưa đáng kể so với doanh số nghiệp vụ truyền thống. Ngay cả với HSBC, mặc dù hoạt động tại Việt Nam đã 6 năm với hơn 1.000 khách hàng, nhưng sau 2 năm triển khai dịch vụ, mới chỉ có vài doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này.

Vì sao như vậy? Ông Nguyễn Đại Lai đưa ra một ví dụ: một doanh nghiệp biết rõ sẽ gặp rủi ro lãi suất khi đang vay tiền với lãi suất thả nổi, trong điều kiện lãi suất giao ngay đang tăng mạnh và biết rõ, nếu sử dụng Swaps để chuyển sang lãi suất cố định, doanh nghiệp sẽ giảm thiệt hại rủi ro nhưng chủ doanh nghiệp đã không dám hành động. Và thực tế này không chỉ xảy ra tại các doanh nghiệp mà còn hiện hữu ngay trong các ngân hàng thương mại, là nơi cung cấp dịch vụ. Vì vậy, không ít cán bộ ngân hàng thương mại nhiều khi vừa ký một hợp đồng bảo hiểm phái sinh vừa…run.

Một nhân tố khác cản trở đến sự phát triển của công cụ phái sinh là môi trường chính sách mà đầu tiên là việc tính thuế, chẳng hạn như quy định về mức thuế đánh trên lãi thu được từ việc thực hiện nghiệp vụ hoán đổi. Nhiều ý kiến bày tỏ, quy định này vừa kìm hãm vừa khó thực hiện vì lãi suất thả nổi biến động hàng ngày. Hơn nữa, công cụ phái sinh mang bản chất phòng ngừa rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải vì mục đích kiếm lời.

Tiếp đó là vấn đề hạch toán kế toán. Ths. Trịnh Quỳnh Thành (BIDV) phân trần: “Hiện nay, trong hạch toán kế toán dường như chỉ chú trọng tới phần lãi/lỗ thực tế phát sinh, trong khi phần lãi/ lỗ dự kiến, chưa phát sinh thì dường như chưa được quan tâm”.

Chẳng hạn, doanh nghiệp mua một hợp đồng phái sinh trị giá 1 tỷ đồng và bút toán ghi sổ 1 tỷ đồng nhưng ngày mai, ngày kia, giá trị “hàng hóa” đã mua chỉ còn 800 triệu đồng hoặc lên 1,5 tỷ đồng thì sổ sách kế toán vẫn chỉ thể hiện 1 tỷ đồng. Thực tế này đã không những không phản ánh hết giá trị thực trong hệ thống sổ sách kế toán mà còn là kẽ hở của tình trạng “lãi giả, lỗ thật” và ngược lại trong báo cáo kế toán của doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, từ thực tế này, để giải quyết những rào cản hiện nay đối với công cụ phái sinh, không chỉ xét từ góc độ từ các ngân hàng thương mại hay doanh nghiệp mà rất cần sự hợp lực từ phía các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính (tháo gỡ vướng mắc về thuế và chế độ ghi sổ kế toán) và của ngân hàng thương mại trong việc ban hành các văn bản pháp lý, tổ chức hội thảo hay hướng dẫn các nghiệp vụ cụ thể.

Theo TBKTVN ngày 08/11/2007