Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Văn học Nhật ( Yasunari Kawabata) - 2

Thủy nguyệt

"Em yêu, em còn hệt như một thiếu nữ"

Giọng anh không châm biếm mà toát ra một niềm vui bất ngờ. Có lẽ anh sung sướng thấy nàng còn như một thiếu nữ. Song chỉ vài tiếng đó làm nàng bỗng nhiên buồn thắt ruột. Một nỗi đau khó tả làm nàng bật rơi nước mắt và thu mình lại. Có lẽ người chồng mới lại càng thấy cử chỉ đó thật là thanh nữ.
Nàng khóc mình hay khóc người chồng cũ. Khó mà biết được. Người ta cũng không bao giờ phân chia được điều đó thật rạch ròi.
Song nàng mới biết mình có lẽ đã làm phật lòng người chồng mới và giờ đây phải làm duyên đôi chút.
"Em khác lắm? Hoàn toàn khác phải không?" – Nàng nói. Nhưng vừa nói nàng lại thấy mình điệu, nàng xấu hổ và đỏ mặt. Điều đó làm chồng nàng đã hài lòng.


"Vì em cũng chưa có con mà!"

Lại như một mũi dao đâm vào tim Kiôkô. Mỗi khi cảm thấy sức mạnh của một người đàn ông bên cạnh mà không phải là người chồng cũ đã qua đời, nàng lại cảm thấy nhục nhã như bị người ta giễu cợt vậy.


"Song em cũng gần như đã phải lo cho một đứa trẻ" - nàng đột ngột trả lời – như để an ủi chồng.


Người chồng đầu tiên mất sau thời gian ốm dai dẳng, Kiôkô có cảm tưởng anh là đứa con mà nàng đã mang trong người. Song nếu anh ấy phải chết thì sự chừng mực nghiêm khắc của nàng đối với anh có nghĩa lý gì?

"Anh mới thấy được Môni qua cửa sổ toa tàu trên tuyến đường Giôêxu" – Người chồng thứ hai nói và kéo nàng về phía mình. Môni là thành phố quê nàng.

"Một thành phố đẹp, giữa một vùng rừng, đúng như cái tên của nó. Em ở đó tới khi nào?"


"Tới khi em học lên trường nữ sinh trung học. Hồi bị điều vào công binh xưởng ở Xandô".


"Phải, nó ở gần Xandô! Người ta bảo con gái Xandô miền Exiô đẹp. Vì thế mà em cũng đẹp. Đúng không?"


"Em đâu có đẹp" Kiôkô đưa tay lên cổ áo.


"Nếu tay em đẹp, chân em đẹp thì người em cũng đẹp".


"Ôi, không!" Cánh tay trên ngực làm nàng cảm thấy chướng. Kiôkô kín đáo hạ tay xuống.

"Chắc là anh vẫn sẽ cưới em nếu em có một đứa bé con. Chúng mình sẽ cùng nuôi nó. Thích nhất là một đứa con gái" – anh thì thào vào tai nàng. Có thể anh nói vậy vì anh cũng có một đứa con trai nhưng Kiôkô lại thấy đó là một lời tỏ tình hơi lạ lùng một chút. Dù có con trai ở nhà nhưng do thương nàng nên anh đã kéo dài chuyến đi này tới mười hôm.

Anh có một hộp đựng các đồ tùy thân du lịch – bọc da loại thượng hạng. Không thể so với bộ của Kiôkô. Nó không còn mới nhưng lớn hơn nhiều và chắc chắn. Chẳng biết anh ta có hay dùng nó không, có hay lau chùi không mà lớp da bóng mờ lộng lẫy. Kiôkô nghĩ tới hộp đồ của mình; chưa bao giờ dùng mà đã để mốc meo. Chỉ có chiếc gương nhỏ là nàng đã đưa cho người chồng cũ.
Cái miếng kính nhỏ nằm trên chiếc gương gỗ dâu kia đã nóng chảy ra và được gắn liền với mặt thủy tinh của chiếc gương bầu dục lớn hơn. Ngoài Kiôkô không ai biết điều đó. Nàng cũng không nói với ai rằng cái cục thủy tinh méo mó ấy vốn là một tấm gương. Làm sao gia đình nàng đoán ra được? Song Kiôkô cảm thấy rằng tất cả những thế giới mà tấm gương kia từng phản chiếu cũng đã bị hỏa thiêu, bị tiêu diệt một cách phũ phàng. Nàng cảm thấy mất chúng như mất chính cơ thể người chồng đã cháy thành tro. Mới đầu Kiôkô đã chỉ cho chồng thấy vườn rau trong chiếc gương cầm tay mà anh khi nào cũng giữ bên gối. Đến khi chiếc gương đó trở nên quá nặng đối với người bệnh, Kiôkô phải xoa bóp ngực và vai anh rồi đưa anh chiếc gương nhỏ hơn, nhẹ hơn.
Lúc còn sống anh không chỉ phản chiếu và nhìn ngắm cái vườn rau. Anh đã thu cả bầu trời vào đó, mây và tuyết, những mỏm núi phía xa và khu rừng gần nhà. Thậm chí cả trăng. Trong gương anh ngắm những cánh hoa đồng và những đàn chim bay qua. Trong cái gương của anh mọi người đang đi qua đường và trẻ em đang đùa nghịch trong vưòn.
Chính Kiôkô cũng ngạc nhiên về tầm xa và sự trù phú của thế giới mà người ta nhìn thấy trong một tấm gương nhỏ. Một cái gương, phụ tùng của bộ đồ trang điểm cho khuôn mặt, thậm chí không phải một chiếc gương tay có cán chỉ đủ phản chiếu một cái gáy đàn bà, mà cả một thiên nhiên mới, một cuộc sống mới đối với người bệnh. Kiôkô ngồi bên giường anh và trong khi nàng luôn luôn nhìn gương, họ đã nói chuyện về cái thế giới được phản chiếu trong đó. Hình như dần dần Kiôkô không còn phân biệt
được thế giới này trực tiếp thấy bằng mắt, với thế giới dội hình vào gương. Hình như có hai thế giới khác nhau. Thế giới hiện ra mới mẻ trong gương người ta hoàn toàn có thể coi đó là thế giới thực.
"Trong gương, trời như bàng bạc" - Kiôkô nói, nàng nhìn ra ngoài cửa sổ và tiếp: "Mặc dù, trời đầy mây xám".


Cái màu nặng như chì đó không có trong gương. Bầu trời thực sự rạng rỡ.


"Chắc là vì anh đã đánh mặt gương bóng cả lên".


Nằm trên giường nếu quay đầu anh có thể nhìn thấy bầu trời.

"Ừ, nó trơ xám như tro. Chắc là mắt người hay mắt súc vật, thí dụ như mắt những con chim sẻ nhìn màu trời cũng khác nhau. Người ta chẳng biết đôi mắt nào nhìn thấy cái thực".


"Còn cái gì thấy trong gương - đó là mắt của gương sao?"

Kiôkô thích nhất được gọi đó là đôi mắt tình yêu của nàng. Trong gương, màu lục của cây tươi hơn ở ngoài, màu trắng của những nhành huệ càng sáng và lóng lánh hơn.

Kiôkô giật mình. Nàng hà hơi vào gương và chùi vết đó đi.
"Cứ để im đó đi em! Lần đầu tiên khi em chỉ cho anh xem vườn rau, cũng có vết tay em như thế"
"Em có biết đâu"
"Không, anh cũng chắc thế, nhưng nhờ cái gương này mà anh đã thuộc kỹ dấu ngón tay cái và ngón tay trỏ của em. Chắc chỉ có ai ốm dài như thế này mới nhớ được dấu ngón tay của vợ."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét