Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Văn học Nhật (Yasunari Kawabata )

THỦY NGUYỆT

Yasunari Kawabata
Dịch giả: Nguyễn Quân


Một ngày kia Kiôkô nảy ra ý nghĩ làm sao cho chồng mình nằm trên lầu có thể nhìn thấy những mảnh vườn trồng rau, nhờ một chiếc gương nhỏ cầm tay. Người chồng nằm liệt giường từ lâu nhờ vậy mà thấy như lại khởi đầu một cuộc sống mới. Đó đâu phải chỉ là một chút sống nhờ cái gương.

Cái gương này vốn ở cái tủ con đựng đồ trang điểm, món của hồi môn của Kiôkô. Cái tủ nhỏ thôi nhưng là tủ gỗ dâu quý, và cái khung gương cũng làm bằng thứ gỗ đó. Náng nhớ hồi mới cưới có lần nàng đã dùng cả hai chiếc gương khi chải tóc và đã ngượng chín người vì thấy ống tay áo xô lên quá cao để lộ trần cả khuỷu tay. Tấm gương này đây. Lúc đó chồng nàng vừa ở buồng tắm ra.

"Em vụng quá! Nào đưa anh giữ hộ một tay". Đây là vết ngón tay cái của em phải không? Tay phải..." – chồng nàng chỉ lên vành gương. Anh nói vậy và đỡ lấy một tấm gương nhỏ. Khi anh cầm gương và tìm cách phản chiếu sau gáy Kiôkô lên mặt tủ gương, nàng thấy hình như anh thích thú với công việc đó lắm. Có lẽ anh phát hiện ra điều gì mới lạ chăng! Thực ra Kiôkô không vụng về, nàng chỉ cảm thấy ngượng ngùng vì biết chồng ngắm mình từ phía sau lưng.
Chuyện cũng mới gần đây thôi, chiếc gương bằng gỗ dâu để trong ngăn kéo chưa kịp lên màu. Thế rồi chiến tranh xảy ra và mọi người tản cư khỏi thành phố. Bệnh tình của chồng nàng chuyển sang giai đoạn nguy kịch. Khi lần đầu tiên Kiôkô nghĩ ra cách cho chồng nhìn thấy vườn rau thì mặt gương đã mờ đục; nếp viền và tay cầm còn lấm bụi và vương phấn. Nhưng có lẽ nó cũng không mờ lắm nên nàng không để ý tới chuyện đó. Chỉ có người bệnh buồn rầu và không khi nào rời khỏi chiếc gương bên gối. Anh đánh bóng cả mặt gương, cả mép gương, lẫn cái tay cầm với một sự sốt ruột của người ốm. Kiôkô nhận thấy mỗi khi mặt gương sáng lên một chút thì chồng nàng lại càng hối hả hà hơi lên mặt gương và lau chùi nó. Thỉnh thoảng nàng cứ nghĩ có lẽ những con vi trùng lao đã len lỏi vào các kẽ nứt nhỏ ở vành gỗ. Mỗi khi chải tóc cho chồng bằng một chút dầu hoa hồng thì anh lại lấy tay vuốt tóc rồi miết lên cái cán gương bằng gỗ dâu. Trong khi gỗ ở chiếc tủ gương đục tối thì vành gỗ quanh chiếc gương nhỏ lại sáng bóng lên.
Khi Kiôkô đi bước nữa, nàng vẫn dùng chiếc tủ gương đó. Còn chiếc gương nhỏ được đặt vào quan tài người chồng cũ của nàng và cũng được hỏa thiêu. Thay vào chiếc gương nhỏ ấy là một chiếc gương khác chạm khắc hoa văn Kamakura. Nàng không kể với người chồng mới về chuyện này.
Khi người chồng thứ nhất của nàng qua đời, người ta đã buộc hai tay anh lại ở nơi hai ngón cái theo đúng tục lệ, vì vậy nàng không thể đặt chiếc gương nhỏ vào tay anh. Nàng đặt nó lên ngực người quá cố.


"Ngực anh đã làm anh đau đớn thế. Chiếc gương nhỏ này chắc là nặng lắm phải không anh?"

Kiôkô thì thào như vậy và sửa lại ngay ngắn chiếc gương trên ngực chồng. Nàng nghĩ, chiếc gương đó đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời chồng vợ của hai người nên mới đặt nó lên ngực anh. Nàng cố không để cho ai trong họ hàng nhìn thấy chiếc gương đặt trong quan tài và đặt một bó cúc trắng lên trên. Do vậy không ai biết cả.
Trong đống than sau khi hỏa thiêu người ta phát hiện ra một vật tròn tròn, gồ ghề nửa đen như than nửa hơi vàng vàng. Đó là mặt gương đã bị nung nóng và gần chảy ra, sần sùi.
Ngoài chiếc gương cầm tay ở tủ còn có một chiếc gương nhỏ hơn nữa. Đó là một chiếc gương kiểu đồ mỹ dung du lịch, hình bầu dục; soi được cả hai mặt. Kiôkô từng mơ ước được dùng nó trong chuyến du lịch tân hôn. Song hồi đó có chiến tranh nên người ta không thể đi du lịch hưởng tuần trăng mật được. Vì vậy suốt thời gian chồng nàng còn sống, chưa một lần Kiôkô được dùng tới chiếc gương này.
Rồi nàng lại đi du lịch hưởng tuần trăng mật với người chồng mới. Lớp da bọc hộp đồ du lịch cũ của nàng đã mốc meo. Vì vậy nàng phải mua một hộp mới. Ngày đầu tiên của chuyến du lịch người chồng nàng rụt rè chạm vào tay nàng và nói:


"Em yêu, em còn hệt như một thiếu nữ".

{ - còn tiếp - }

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét